Hướng Dẫn Trồng Hoa Hồng Mon Hoa Rộ Thơm Ngát

Hoa hồng mon hiện đang chiếm được lòng của những người yêu hoa lá tại Việt Nam. Xuất phát điểm là một giống hoa ngoại nên nhiều người vẫn chưa biết đặc điểm và cách trồng loài hoa này. Vậy bạn có muốn tìm hiểu bí kíp trồng và chăm sóc hoa hồng Mon sai hoa thơm ngát và màu sắc xinh tươi không? Nếu có thì bạn hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của K69Decor nhé.

Nguồn gốc của hoa hồng Mon Coeur

Nguồn gốc xuất xứ của hoa hồng Mon là từ đất nước Nhật Bản. Nghệ nhân Kimura Takunori là người đã thành công lai tạo ra giống hoa hồng mới lạ này. Giống hồng Mon đã thành công đạt giải Đồng tại The 13th Gifu International Rose Competition. Hiện nay, giống hồng này rất được chuộng và phân bố tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Hoa hồng mon tươi đẹp
Hoa hồng mon tươi đẹp

Đặc điểm của hoa hồng Mon

Hoa hồng mon là giống cây dây leo, thân không có gai và khi trưởng thành cây có thể cao tới 2 – 3,5m. Hoa hồng Mon nở theo từng chùm nhỏ, mang vẻ đẹp độc đáo từ hình dáng đến màu sắc. Bông hoa khá to, đường kính khoảng 5 – 7cm, được kết thành từ trên 50 cánh hoa. Rất nhiều cánh hoa sắp xếp tinh tế thành từng lớp tạo nên một bông hoa hồng dáng cúp tròn dày dặn. Hoa có màu hồng phấn, nhạt dần từ trong ra ngoài viền cánh. Khi nở, hoa hồng Mon Coeur tỏa ra một mùi hương đặc trưng, thơm ngát khó quên.

Hoa hồng mon ra hoa đẹp và thân cây không có gai
Hoa hồng mon ra hoa đẹp và thân cây không có gai

Điều kiện sinh trưởng của hoa hồng Mon 

Hoa hồng Mon mặc dù là loài hoa ngoại, nhưng đã được đưa về trồng tại Việt Nam khá lâu bởi vì giống hoa này cũng thích nghi với khí hậu nước ta. Tương tự nhiều loại hoa hồng khác, điều kiện sinh trưởng của hoa hồng Mon như sau:

  • Nhiệt độ: Giống hoa này thường sinh trưởng phát triển tốt ở mức nhiệt độ lý tưởng vào ban ngày là khoảng 22 – 27 độ C, ban đêm khoảng 12 – 18 độ C. Nếu nhiệt độ thấp hơn 5 độ C, cao hơn 35 độ C thì cây hoa sẽ phát triển kém.
  • Ánh sáng:  là một yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng, khả năng ra hoa và chất lượng hoa. Hoa Hồng Mon cần được chiếu nắng khoảng 6 – 8 giờ mỗi ngày.
  • Độ ẩm: Cây hoa hồng Mon ưa ẩm trung bình, lưu ý luôn để ý lượng nước tưới vào cho cây, không được để cây quá khó cây sẽ bị héo và không được để đất bị đọng nước vì điều này sẽ dẫn đến úng rể dẫn đến chết cây.
Hoa hồng mon khoe sắc dưới nắng
Hoa hồng mon khoe sắc dưới nắng

Chu kỳ ra hoa của hoa hồng Mon

Hoa Hồng Mon nếu được chăm sóc tốt thì sẽ cho hoa quanh năm và mỗi lần đều rất sai hoa. Chu kỳ ra hoa rất nhanh, trung bình cứ khoảng 4 – 6 tuần hồng Mon Coeur sẽ cho một đợt hoa mới. Tuy nhiên, hoa cũng khá mau tàn, chỉ khoảng 2 – 4 ngày.

Chuẩn bị trồng hoa hồng Mon

Vị trí trồng

Hoa hồng Mon có thể thích hợp trồng ở rất nhiều vị trí khác nhau. Bạn có thể trồng trong vườn, hay đặt chậu trồng ở sân hiên, ban công, sân thượng hay cạnh cửa sổ. Chỉ cần đảm bảo được chế độ chiếu sáng, độ ẩm và nhiệt độ phù hợp đồng thời bảo vệ cây trước mưa gió và ánh nắng mặt trời trực tiếp.

Đất trồng

Đất trồng hoa hồng Mon Coeur phải đảm bảo yêu cầu về độ tơi xốp, đầy đủ dưỡng chất, giữ ẩm tốt và sạch bệnh. Theo những người kinh nghiệm, giá thể tốt nhất là nên trộn đất thịt, trấu hun, phân hữu cơ với tỉ lệ 5:3:2. Phân hữu cơ thì ưu tiên phân trùn quế hoặc phân gà, phân bò đã được ủ hoai.

Cách trộn giá thể trồng cây
Cách trộn giá thể trồng cây

Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm trộn đất/giá thể cho hoa hồng thì b ạn nên chọn mua giá thể đã trộn sẵn. Ưu điểm của loại giá thể đã trộn sẵn là tính tiện lợi và hơn hết là bạn hoàn toàn an tâm hồng phát triển khỏe mạnh. Vì giá thể đã trộn sẵn với tỷ lệ dinh dưỡng hoàn toàn phù hợp cho hoa hồng.

Chọn cây giống

Hiện nay, bạn có thể chọn mua giống từ cành chiết, cây giống đã được trồng sẵn từ 3 tháng trở lên hoặc cây con giâm cành nhỏ. Nếu bạn là người mới chơi hoa hồng thì nên mua các cây giống đã được trồng ổn định là tốt nhất. Vì những cây này sẽ có tỉ lệ sống cao, sức đề kháng tốt, đồng thời dễ trồng và chăm sóc hơn. Khi đã có kinh nghiệm, bạn có thể tự nhân giống hồng Mon bằng cách tự chiết cành, giâm cành.

Kỹ thuật trồng hoa hồng Mon

Sau khi hoàn thành chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu thì bạn tiến hành trồng cây hoa hồng Mon. Trước tiên, bạn nhẹ nhàng tách cây khỏi bầu sao cho không khiến bộ rễ bị tổn thương. Đặt cây giống đứng thẳng vào giữa chậu rồi đổ thêm lớp giá thể lên trên bề mặt, phủ kín xung quanh gốc. Có thể dùng cọc tre để cố định cây hoa hồng đứng thẳng, không bị lung lay khi mưa gió hay di chuyển. Sau khi trồng thì tưới ẩm cho đất rồi chuyển chậu cây vào nơi râm mát. Khoảng 7 ngày sau bạn có thể cho cây tiếp xúc dần với ánh nắng và bắt đầu bón phân.

Cách chăm sóc hoa hồng Mon Coeur sau khi trồng

Ánh sáng

Nếu một ngày không có tối thiểu 4 giờ được chiếu sáng thì cây có thể không ra hoa, thậm chí dẫn đến chết cây. Do đó, bạn phải đảm bảo trồng hoa hồng Mon Coeur ở nơi nhiều ánh sáng nhất, thời gian chiếu sáng lý tưởng là 6 – 8 giờ/ngày. Đặc biệt, bạn phải bảo vệ cây khỏi ánh nắng trực tiếp của mặt trời, tốt nhất là chỉ hứng nắng sớm và nắng chiều mát.

Tưới nước

Duy trì độ ẩm vừa phải cho đất bằng cách tưới nước thường xuyên. Khi nào thấy đất khô thì tiến hành tưới đẫm, lượng nước có thể điều chỉnh tùy theo thời tiết. Mùa nắng tưới nước đều đặn 2 lần/ngày, mùa mưa giảm xuống 2 ngày/lần hoặc không cần tưới. Không nên tưới vào buổi tối, nước đọng lại trên lá dễ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát sinh.

Cắt tỉa và tạo dáng

Việc cắt tỉa và tạo dáng cho cây hoa hồng Mon Coeur phải được tiến hành đúng kỹ thuật. Sau mỗi chu kỳ hoa, bạn cắt tỉa những lá vàng úa, hoa tàn và cành tăm. Hơn nữa, thường phải bấm đi từ 3 – 4 nách lá và tạo dáng, uốn cành vào giàn leo. Điều này giúp cây thông thoáng, giảm mầm bệnh và bật mầm nhanh hơn, ra nhiều nụ và hoa to hơn.

cắt tỉa hoa hồng mon
cắt tỉa hoa hồng mon

Bón phân

Hoa hồng Mon Coeur là giống hồng leo có nhu cầu dinh dưỡng cao trong quá trình sinh trưởng. Nên ưu tiên các loại phân hữu cơ như phân trùn quế, phân bò, phân dê, phân gà hoai mục,… Hạn chế bón các loại phân vô cơ vì chúng khiến đất trồng nhanh bị xói mòn. Định kỳ khoảng 15 – 20 ngày thì nên bón phân hữu cơ một lần cho cây hoa hồng. Đặc biệt là bón ngay sau khi cắt tỉa cành để cây nhanh chóng bật lộc, hoặc khi cây mới ra nụ để hoa mập và khỏe hơn.

Phòng trừ sâu bệnh

Khi trồng hoa hồng Mon Coeur cần chú ý một số loại sâu hại tấn công, dấu hiệu bệnh và có biện pháp phòng trừ như sau:

Nhện đỏ

Thường xuất hiện ở mặt dưới lá, ăn biểu bì và chích hút mô dịch làm lá cây có màu vàng. Nếu bạn thấy mặt dưới lá có lớp bụi màu trắng và nhiều đốm đỏ li ti di chuyển nhanh thì đó chính là nhện đỏ. Lúc này bạn nên dùng vòi phun nước áp lực mạnh để rửa lá vì nhện đỏ rất sợ nước. Ngoài ra, bạn có thể diệt nhện đỏ bằng cách phun vào mặt dưới lá dung dịch được pha chế gồm 2 thìa rượu trắng + 2 thìa nước rửa chén + 2 lít nước.

Nhện đỏ trên lá hoa hồng mon
Nhện đỏ trên lá hoa hồng mon

Châu chấu, cào cào

Vào đầu mùa mưa, châu chấu và cào cào sẽ xuất hiện và ăn cả lá non, lá già khiến lá cây khuyết từng mảng, thậm chí làm cây trơ trụi. Bạn có thể bẫy ánh sáng vàng ban đêm để bắt và tiêu diệt loài gây hại này.

Bọ trĩ

Bọ trĩ có màu vàng nhạt, thường gây hại ở lá non, chồi và nụ hoa. Ban đầu, chúng chỉ làm lá bị xoăn, có những vết sẹo nâu sẫm nhưng nếu để lâu, cây sẽ dần còi cọc, lá vàng rụng và không thể ra hoa.

Bệnh bọ trĩ gây hại cho cây hoa hồng mom
Bệnh bọ trĩ gây hại cho cây hoa hồng mom

Đây đều là những bệnh do nấm gây ra và có dấu hiệu giống như tên gọi của từng loại bệnh như: bệnh đốm đen khiến lá bị vàng, lấm tấm đốm đen và rụng nhiều; nếu lá màu vàng cam hoặc đỏ gạch thì là bệnh gỉ sắt; bệnh thán thư khiến lá có nhiều đốm nâu sẫm, viền nâu đỏ. Các bệnh này thường xuất hiện khi thời tiết ấm áp, độ ẩm không khí cao, đặc biệt là mùa mưa. Đối với cây có dấu hiệu bệnh thì cần cắt tỉa lá cành bị bệnh và cách ly cây bệnh để tránh lây lan, rồi phun thuốc phòng trừ.

Sâu Bệnh Gây Hại Trên Cây Hoa Hồng Mon
Sâu Bệnh Gây Hại Trên Cây Hoa Hồng Mon

>>> Xem thêm: Cách trồng và chăm sóc lan cẩm cù

Phương pháp nhân giống hoa hồng Mon Coeur

Hiện nay, phương pháp nhân giống hoa hồng Mon Coeur bằng giâm cành là đơn giản, hiệu quả nhất và đang rất phổ biến. Bạn nên giâm cành vào buổi sáng sớm và tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị giá thể

Giá thể giâm cành phải tơi xốp, thoáng khí, giữ ẩm tốt và không nhiễm bệnh. Thông thường, người ta sẽ trộn hỗn hợp gồm đất thịt, trấu hun, xơ dừa vụn, phân trùn quế với tỉ lệ 5:2:1:2. Không chỉ khi trồng mà khi giâm cành, nhân giống hoa hồng Mon Coeur cũng có thể dùng đất/giá thể hoa hồng trộn sẵn.

Cận cảnh một loại giá thể hoa hồng mon, chất tơi xốp
Cận cảnh một loại giá thể hoa hồng mon, chất tơi xốp

Bước 2: Chọn và cắt cành giâm

Bạn nên chọn những cành giâm khỏe mạnh, không quá non hay quá già và có từ 3 – 5 mắt mầm. Những cành vừa mới tàn hoa có thể đem giâm, tránh cành quá to sẽ không có sức ra rễ, cành quá nhỏ thì cây sẽ còi cọc, dễ bị chết.

Sử dụng dao hoặc kéo thật sắc, cắt dứt khoát những đoạn cành đã chọn với chiều dài khoảng 15 – 20cm. Lưu ý là loại bỏ hết lá, chỉ giữ lại 3 – 4 lá trên ngọn cành để hạn chế sự thoát hơi nước. Sau đó, nhúng cành giâm khoảng 5 – 10 giây vào thuốc NAA hoặc IBA nồng độ 2000 – 2500 ppm để kích thích mọc rễ.

Bước 3: Tiến hành giâm cành

Sau khi chuẩn bị xong, bạn cắm cành giâm vào bầu đất với độ sâu không qua mắt ngủ, khoảng 2 – 4cm. Có thể cắm nghiêng hoặc thẳng đều được. Mỗi bầu chỉ nên giâm một cành để sau này dễ dàng tách ra trồng cây.

Bước 4: Chăm sóc cành giâm

Sau khi giâm cành thì đặt bầu cây ở nơi thoáng mát, ít ánh sáng và tránh mưa gió. Đồng thời chú ý các điều kiện ngoại cảnh như nhiệt độ khoảng 20 – 25 độ C, độ ẩm từ 80 – 85% là phù hợp. Khoảng 3 – 4 tuần sau, cành hồng sẽ bắt đầu ra rễ và sau 2 tháng là có thể đem đi trồng.

Giâm cành hoa hồng mon
Giâm cành hoa hồng mon

Những chia sẻ trên là kiến thức và kinh nghiệm mà K69Decor đã tìm hiểu và tích góp được, hy vọng những điều chia sẻ trên sẽ giúp mọi người có thể trồng và chăm sóc tốt những cây hoa hồng mon phát triền tốt, và cho những bông hoa đẹp nhất.

Chat Facebook
Chat Zalo
Hotline: 0363857134